1. SÀIGÒN ƠI!

Sáng hôm nay, sau khi Ý, cán bộ trại vừa điểm buồng xong quay đi, tôi là một trong những người đầu tiên ra sân. Như mọi buổi sáng, tôi tranh thủ chạy ra sau nhà làm vài động tác tay chân, cố hít thở cái không khí ban mai của một ngày trong hai, ba phút.

Mấy đêm trước giấc ngủ của tôi không yên, tâm tư cứ khắc khoải vơi đầy, chỉ vì chiều hôm ấy cách đây ba ngày, ở dưới phòng y tế của anh Thái, do một sự tình cờ, một em tù hình sự vừa mới nhập trại, xuống xin thuốc hắc lào, đã nói đến cô y tá Hỏa Lò. Tôi đã vồ vập hỏi, nhưng em không hề biết gì hơn về người Hưng Yên. Em chỉ xác định là bốn tháng trước ở Hỏa Lò, em có xin thuốc hắc lào của cô Vân y tá, 1 lần.

Cô Vân ơi! Ngay đầu 1968, trong buổi giã từ não nuột dầm dề mưa rơi ấy ở Hoả Lò, đã hơn 3 năm rồi, tôi vẫn lầm lũi quằn quại trong ngục tù tăm tối, nơi rừng núi biên cương. Tôi không hề biết một tin tức gì về cô cả, để rồi chỉ nghe thoáng đến tên cô, lòng tôi đã xáo trộn mấy đêm nay. Rất may đêm qua, tôi ngủ được một giấc đã đầy, bù lại.

Phía Đông đỏ rừng rực, rồi mặt trời mò lên; xa xa chéo phía Tây Nam, rặng Hoàng Liên Sơn (Fan-si-pan) mây trắng che phủ ngọn, cũng vàng ửng lên rực rỡ. Một đàn vạc trắng hình cánh cung, đang sải cánh bay về hướng Đông Bắc.

Nhìn mấy tảng mây trắng hồng từ hướng nam lững lờ bay đến, tôi có cảm tưởng chúng đang mang theo những hơi hướng ngọt bùi, ruột thịt, tha thiết của gia đình, bạn bè thân quen phương trời bên ấy. Tôi rướn người, kiễng chân lên để hít lấy cái hơi thương nhớ, vời vợi của 9 năm dài đằng đẵng. Từ nơi sâu thẳm của cõi hồn, một giọng hát nỉ non, tỉ tê nghe rõ mồn một : ” Hôm nay… Sàigòn… bao nhiêu tà áo… khoe mầu phố vui… Riêng tôi một mình… tâm tư sầu lắng… đi trong bùi ngùi… Sàigon ơi…”

Bỗng tiếng Lầu Chí Chăn dội lên, từ cửa sổ phía sau nhà :

– Anh Bình không đặt bát để lấy sắn à?

Như choàng tỉnh một cơn mơ ngày, tôi vừa “ờ… ờ” vừa chạy ra sân trước. Nhìn các mâm đang ồn ào tíu tít chia sắn sáng, tôi chợt nhớ tối qua sinh hoạt toán, Nguyễn Huy Lân đã rành mạch tuyên bố:

Theo chỉ thị của ông Miễn cán bộ toán 2, ngôi nhà cơ bản số 3, còn bảy cái cửa ra vào chưa lắp cánh xong. Vì thế năm người, được phân công làm trong trại gồm :

Lê Văn Kinh, Bùi Tâm Đồng, Lầu Chí Chăn, Nguyễn Thanh Đương và Đặng Chí Bình.

Tạm thời ĐCB làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm kỹ thuật. Vẫn xuất trại theo toán ra lán thủ công để lấy dụng cụ . Sau khi lấy dụng cụ, cán bộ toán 2 sẽ dẫn cả tổ trở vào trại. Gần cuối giờ, cán bộ toán lại vào trại đón tổ ra lán để cất dụng cụ, rồi cùng về trại trả số tù”.

Cùng những ngày tổ mộc lắp cửa, cũng có một tổ xây đang lợp ngói cho xong nóc nhà, mà đám công nhân xã hội còn làm dở. Một buổi trưa, tôi đang hì hục cắm cúi làm, thì Chăn đi vệ sinh về, ghé tai tôi nói nhỏ :

– Anh em lợp nhà ở trên nóc, nhìn sang sân khu nhà số hai thấy có nhiều người tụm năm, tụm ba cởi áo phơi nắng, bắt rận.

Gợi trí tò mò, xế trưa tôi trèo lên chỗ anh em lợp nhà. Đúng như rằng, ngoài sân khu nhà cơ bản số hai có chừng hơn hai chục người : người đứng, người ngồi, đi đi lại lại. Có nhiều bác tóc đã muối tiêu, và cũng gầy xanh như chúng tôi. Vì từ xa, nhìn thẳng, khoảng cách từ 60 đến 80 mét nên chỉ nhìn nhau. Thỉnh thoảng có anh giơ tay vẫy vẫy chào, nhưng không thể biết một tí gì về nhau cả. Khó khăn đẻ ra sáng kiến, tôi chợt nhớ tới cách liên lạc khi còn ở xà-lim I Hoả Lò. Tôi trèo xuống chỗ làm, kiếm được tấm gỗ mỏng nhẹ để làm cửa, bề chừng 60, bề chừng 40 phân. Vì có chủ ý, tôi xách miếng gỗ, lại trèo lên chỗ đám lợp nhà.

Mất dăm phút ra hiệu tay, khua vẫy nhiều anh em ở sân bên ấy đổ xô đến, ngước mắt nhìn lên. Để an toàn, tôi nhờ một anh toán xây, để ý cán bộ dưới sân bên ngoài. Tôi giơ miếng gỗ quay lại, chậm chạp, dùng ngón tay trỏ, tôi viết từng chữ theo lối in, vào tấm gỗ : “ANH NHÌN THẤY KHÔNG ?”

Lần đầu, họ đều tỏ ra lơ mơ và lắc đầu. Tôi thong thả làm lần nữa. Nhiều người khua tay mừng rỡ, đầu gật gật. Tôi bảo các anh, tìm cái gì viết lại cho tôi. Mấy người chạy vào nhà, rồi một người cầm ra một miếng gì, như cái nia con mầu nâu xám, đường kính khoảng 80-90 phân. Một anh cầm, một anh viết kiểu chữ in như tôi. Ở dưới sân nhà số hai an toàn hơn, họ chỉ cần để ý phía cổng khu của họ. Ngược lại, chúng tôi ở trên nóc nhà trống trải hơn, nhưng cũng có cái lợi, ở trên cao, quan sát ngay từ cổng trại, cán bộ ra vào chúng tôi đều trông thấy. Còn công an vũ trang ở các chòi gác thì quá xa, dù cho có nhìn cũng chả hiểu gì, chỉ coi như đám tù đang lao động mà thôi.

Hơn một giờ liên lạc, tôi vừa đoán vừa hiểu được : Bên ngoài mới có một cuộc đảo chính hụt giữa phe thân Liên Sô và phe thân Trung Cộng, khoảng cuối năm 1967. (Cũng là giai đoạn, cộng sản Hà-Nội đưa tôi ra tòa). Phe thân Trung Cộng do Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh đứng đầu, có chính quyền trong tay nên đã thắng thế; bất ngờ bao vây bắt nhiều người thuộc phe thân Liên Sô, do Võ Nguyên Giáp đứng đằng sau hậu thuẫn, và bị ghép tội là bọn xét lại hiện đại. Trong những người thân Liên Sô bị bắt có : Hoàng Minh Chính viện trưởng viện triết học, Vũ Đình Huỳnh trợ lý của HCM và Đặng Kim Giang thiếu tướng, phó chủ nhiệm tổng cục hậu cần. Phe này có nhiều người trong giới quân sự tham gia.

Phần tin tức về chúng tôi, tôi cũng cho họ biết sơ lược. Trong trại I này chúng tôi có chừng hơn 2 chục Biệt Kích từ trong Nam ra Bắc hoạt động chống cộng sản, thường đã tù từ 9, 10 năm rồi.

Do cách liên lạc không thuận tiện, nhưng phần chính là sợ trong đám tổ xây có antene, và cả khu nhà số hai bên ấy nữa, chúng tôi đã biết thế nào đâu. Vả lại thấy đã tạm đủ nên tôi và Chăn quyết định, không liên lạc tìm hiểu thêm nữa.

Chiều nay thứ Sáu, không khí trong trại nhộn nhịp khác thường. Nguồn tin từ các cán bộ toán cho biết khu A (chính trị) cũng như khu B (hình sự) sẽ lao động xã hội chủ nghĩa Chủ Nhật này (Một Chủ Nhật nghỉ, một CN Lao Động XHCN đã trở thành thông lệ ở các trại giam từ lâu). Chúng tôi sẽ móc bùn, vớt bèo, làm cỏ toàn bộ 3 chiếc ao lớn thả cá trước khu của ban giám thị trại. Cái điều làm cho khí thế của trại sôi nổi, là nguyên nhân có ban thi đua do cán bộ giáo dục Bùi Huy Tập làm trưởng ban, trực tiếp chấm điểm giữa 3 khu tù nhân của trại. Khu A trách nhiệm chiếc ao giữa, khu B trách nhiệm chiếc ao trước khu công an vũ trang, còn chiếc ao thứ 3, phía trái của khu ban giám thị do K2 (trại nữ) đảm trách.

Đây là điểm mấu chốt làm cho khu nào cũng xốn xang bàn tán, chuẩn bị. Điểm đặc biệt của lần LĐXHCN kỳ này là, do sự trù liệu công việc, ban giám thị trại quyết định :

– Tù nhân sẽ làm Lao động XHCN liên tục từ 8 giờ sáng đến 2 :30 chiều, chỉ trừ nghỉ 15 phút để tù giải lao ăn sắn bồi dưỡng lúc 10 giờ sáng, và 30 phút ăn trưa lúc 12 giờ. Thường LĐXHCN chỉ làm nửa ngày, tức 4 giờ.

Cứ nhìn khu A này, tôi đã hình dung ra cái cảnh rạo rực chuẩn bị sửa soạn quần áo, đầu tóc của mỗi người, nhất là những người còn trẻ, còn một chút nhựa xuân nào trong người ở 2 khu B và K2 kia.

Ngay từ trưa thứ Bảy, toán nhà bếp, có các anh tự giác của mỗi toán xuống phụ giúp gồm hơn 2 chục anh : Họ được lệnh gồng gánh, cuốc xẻng, xe ba gác để đi đào sắn. Tiêu chuẩn bình quân đầu người LĐXHCN được hưởng 8 lạng sắn kể cả vỏ. Nhà bếp K1 phục vụ khu A và B, bếp K2 phục vụ K2. Không biết phía đàn bà con gái bên K2 có mong ngóng được nhìn thấy đàn ông, con trai bên K1 hay không, chứ bên K1 này thì từ rừng sâu, trong lán thủ công đến ngoài nương khoai, đồi sắn, vườn rau; đâu đâu nơi nào có tù lao động đều say sưa bàn tán rôm rả trong cái dịp ngàn năm một thuở này.

Đúng thế, trừ trường hợp cá biệt, còn thông thường, đàn ông, đàn bà chúng tôi hàng năm chả nhìn thấy bóng dáng của nhau. Thậm chí anh Nguyễn Văn Thú (Biệt Kích), tối qua ở trong buồng đã nói : Lâu ngày quá, anh đã quên cả đàn bà, con gái. Đến nỗi anh đã ngẩn ngơ cả đêm , mà vẫn không thể hình dung ra thế nào cả. Anh chỉ thấy họ tuyệt vời lắm! Họ là một thứ vưu vật, là lẽ sống của cuộc đời v.v…

Anh Thú cứ ông ổng ca tụng người đàn bà, con gái mãi. Rất nhiều người tán đồng phụ họa; nhưng cũng nhiều người phản đối. Anh Bùi Tâm Đồng đã đứng hẳn lên sàn dõng dạc :

– Vừa thôi, anh Thú ơi! Anh cứ làm như, nếu trên cõi đời này không có đàn bà con, gái thì chúng ta không sống được hay sao?

Hàng 4, 5 cái miệng đều rống lên :

– Đúng ! Đúng ! Không sống làm gì nữa !

Giọng một anh từ trong nhà cầu đi ra, gào lên :

– Nếu biết chắc trên đời này không có và không còn đàn bà, con gái, sáng sớm mai tôi sẽ cắn lưỡi, xin từ giã tất cả các quý bạn để về với Chúa ngay.

À… anh chàng Gôm! Tôi đã thấy hơi lạ, từ lúc trong buồng sôi nổi bàn chuyện đàn bà, con gái mà không thấy anh chàng này tham gia. Đang ồn ào náo nhiệt sục sôi cả căn buồng thì bỗng có tiếng báng súng đập vào vách nứa ầm ầm; giọng một tên công an vũ trang quát :

– Buồng này làm cái gì, ồn ào như cái chợ vậy?

Giọng khàn khàn của anh Thành Xuân Yên từ tốn :

– Thưa cán bộ, họ đang tranh luận, nếu trên đời này không có đàn bà, con gái thì họ sẽ tự tử hết!

Im lặng một lúc, rồi giọng tên vũ trang đã hạ xuống :

– Bậy bạ! Thì nói nhỏ vừa nghe thôi!

Thấy thế, trong buồng lại râm ran trở lại. Anh Lân buồng trưởng đã phải ra đứng giữa buồng khoắng tay :

– Toàn buồng trật tự yên lặng! Các anh bàn chuyện đàn bà, con gái thì nói cả đời không hết! Đây là chuyện thực của đời tôi. Từ ngày tôi bị bắt đã 8 năm rồi, có một điều tôi ân hận nuối tiếc lớn nhất, vẫn ngày đêm dằn vặt lòng tôi.

Rồi anh im bặt. Có nhiều tiếng hối thúc :

– Nói ra đi! Nói ra đi!

Cũng lại ầm cả lên. Tôi cũng tò mò, đến bên Lân cao giọng :

– Các anh đừng làm ồn, để anh Lân nói ra đã!

Rồi tôi quay lại anh Lân như thúc giục :

– Anh nuối tiếc ân hận điều gì thế, hãy cho chúng tôi biết đi!

Anh cười và tỏ vẻ thành khẩn :

– Hiện nay, tôi đã có 4 mặt con : 2 trai và 2 gái, vậy mà tôi vẫn chưa nhìn thấy cái của vợ tôi nó như thế nào cả. Tôi ân hận sao lại không nhìn rõ một lần cho đã, để bây giờ khỏi hối tiếc!

Cả buồng réo lên :

– Không tin được ! Không tin được !Vô lý !….

Cuối cùng, anh Lân đã thong thả chậm chạp như tâm sự :

– Tôi xin thú thực với các anh em. Bởi vì chúng tôi ở nhà quê, chỉ khi nào đêm khuya, tin chắc cả nhà đều đã ngủ yên thì 2 vợ chồng mới… tò te mà thôi. Thường trời tối giơ bàn tay không nhìn thấy, thì nhìn làm sao được cái kia?

Câu chuyện này, cho đến bây giờ đôi khi tôi vẫn còn nhớ lại. Vừa đây, tháng 8-2003, tôi có dịp sang tiểu bang Philadelphia, do một sự tình cờ, tôi gặp lại anh Nguyễn Huy Lân, anh mới đi HO sang Mỹ 1994. Anh ở một town gần đấy, khi biết tôi sang, anh đã lái xe đến thăm. 23 năm mới gặp lại nhau, trong một bữa cơm có mấy anh Biệt Kích nữa, nhớ lại câu chuyện LĐXHCN ở trại Trung Ương Số I Phố Lu, Lào Cai, đầu năm 1972, tôi đã tươi mặt hỏi lại anh :

– Thế nào, Lân Mều! Từ ngày được tha về với gia đình, anh đã nhìn rõ cái “miếng ngọc” của anh chưa?

Cả bàn tiệc cười ngặt nghẽo như đê bị dò khi nước lụt.

Xin trở lại buổi LĐXHCN. Đêm hôm đó, khi nằm chưa ngủ được, đầu óc tôi miên man nghĩ đến anh chàng Lân Mều này. Tôi còn nhớ rõ 4 năm xưa (1968), khi ấy tôi từ dưới Hoả Lò mới lên trại Trung Ương Số I, rồi được chuyển vào phân trại E do Hoàng Thanh làm giám thị.

Tôi được phân bổ về toán 2 làm mộc, cũng do Nguyễn Huy Lân làm toán trưởng. Khi biết tôi cũng từ trong Nam ra Bắc, lại cùng ở trại định cư Nam Hà thuộc phường 6, quận Tân Bình, anh và tôi rất quý mến và thân nhau từ đấy. Mùa Đông, tôi thường sang chỗ anh nằm đắp chăn chung, chuyện trò tâm sự. Khi biết tôi còn thanh niên chưa vợ, có lần anh hỏi tôi:

– Tao hỏi thực mày, mày đã nhìn thấy cái “hến” của đàn bà chưa?

Sau khi Lân biết tôi chỉ nhìn thấy của các bé gái còn nhỏ 4,5 tuổi. Một buổi tối, Lân trêu tôi. Anh đứng ở giữa nhà nói to với cả buồng:

– Thằng Bình nó ngố lắm! Nó cứ tưởng cái “hến” của con gái khi lớn lên vẫn vậy. Nó không biết là khi đứa con gái bắt đầu 11-12 tuổi thì cái “hến” cứ xoay dần, để rồi đến 18 tuổi cho tới khi thành đàn bà thì nó nằm ngang hẳn ra.

Ngay khi ấy, tôi cũng không tin và hiểu là Lân mều muốn trêu tôi mà thôi. Tuy vậy, một hôm tôi đã hỏi Gôm. Gôm cười hềnh hệch và nói là cá biệt, có người nó còn ngược hẳn lên. Để rồi mấy tháng sau, nhân một lúc vui, tôi hỏi thẳng bác Lẫm. Bác cười bằng mắt bảo tôi:

– Yên tâm đi, sau này sẽ biết.

Sáng hôm sau chủ nhật, trời cũng chẳng chiều lòng người, sương mù kéo dầy đặc. Tới khi kẻng tập họp để chuẩn bị xuất trạo đi lao động XHCN mà sương khói vẫn còn mịt mù, chỉ nhìn rõ người và cảnh vật xa chừng ba chục mét. Xa hơn nữa, thì chỉ thấp thoáng bóng người mơ hồ trong sương đục. Để phòng ngừa, Ban Giám Thị cho lệnh phải tăng cường mỗi toán thêm một công an vũ trang nữa. Rặng Hoàng Liên Sơn hôm nay cũng biến vào mây trời mất tiêu, chỉ còn lại một mầu rêu già xám xịt phía chân trời.

8 giờ, tiếng trống thùng… thùng … của hai tay trống nhà bếp phía cổng trại làm rung rinh lòng mọi người. Hai chiếc biểu ngữ đỏ nẹt, chữ trắng, đã nhìn rõ dần. Một cái của khu A viết :”Vì Miền Nam ruột thịt, một người làm việc bằng hai”. Một cái của khu B . Từng toán, lần lượt ra khỏi cổng trại.

Khi toán 2 ra đến khu vực đã được phân công, đảm trách ở chiếc ao giữa. Nguyễn Huy Lân lấy ra một tờ giấy đã viết sẵn, anh cao giọng thong thả đọc từng tên. Một số người già yếu ở trên bờ làm cỏ, chan đất, đắp bờ. Còn hầu hết trai trẻ, đều phải xuống nước vớt bèo, móc bùn. Riêng tôi, vì có chút kỹ thuật, nên được ở trên bờ để san và đắp bờ.

Trời đã về cuối Xuân, nhưng nước vẫn còn lạnh căm căm. Cái chính là bụng đói, thì cật rét; cởi áo ra, người anh nào cũng chỉ còn xương sườn với da, tay chân khẳng khiu, khòng khèo. Mới sáng thứ Bẩy hôm qua, anh Lương Yên làm vệ sinh, cho biết bên khu B hình sự, có hai cậu được khênh xuống bệnh xá đều chết vì ăn quá nhiều vỏ sắn, bụng chương lên, không đi cầu được. Thế mà khí thế lao động vẫn hăng say. Tiếng trống, tiếng loa hô hào vẫn oang oang, thình thình như một đám hội của đình làng.

Khoảng gần 10 giờ, mặt trời đã ló ra nhìn cảnh núi rừng âm u trong sương đặc, nhưng gió lộng hơn nên vẫn lạnh. Trong toán 2, người ở dưới nước, người trên bờ, mặt anh nào cũng tái ngoét, răng đánh vào nhau cặp cặp. Mọi người đề nghị cho đốt lửa hút thuốc và cũng sắp đến giờ giải lao ăn sắn bồi dưỡng. Được lệnh của BGT, một số anh tự giác đem xe ba gác vào khu thủ công toán xẻ và toán mộc, lấy phoi bào và những đầu gỗ thừa. Chỉ nửa giờ sau mỗi ao đã có một đống lửa to, mọi người nhìn cho ấm mắt, và cũng ấm lòng thôi, chứ chưa ai được đến gần đâu.

Từ sớm tới giờ, tôi vừa làm vừa ngẩn ngơ suy nghĩ. Đói khổ, lầm than triền miên như vậy mà không khí lao động vẫn sôi nổi, không ngưng nghỉ. Tại sao như vậy? Càng ngẫm nghĩ, càng kính nể và bái phục cái tài khích lệ, phỉnh phờ, đe doạ ép buộc kết hợp với cái dạ dày để chỉ huy con người của cộng sản. Phải hàng chục thứ liên kết, mỗi cái một ít, từ ngoài xã hội đến trong gia đình, để có một sức ép tứ phía.

Rõ ràng mọi người không muốn làm, mà rồi vẫn phải làm, làm với một thái độ hăng say, nồng nhiệt. Suy kỹ đã thấy sáng tỏ: Nội dung không quan trọng bằng hình thức. Mà ngay từ xa xưa, ông cha chúng ta đã thấy:”Cách ăn không bằng ý ở”. So với sự cho tiền, cho ăn, cho vật dụng, cái cách đưa, cách cho, cách đối xử quan trọng hơn. Phương Tây cũng có câu:”Của cho không bằng cách cho”. Cái cách thể hiện câu nói, quan trọng hơn nội dung câu nói.

Ai cũng thấy, kể cả người cộng sản cũng thấy họ làm nhiều điều sai, nhiều điều thiệt hại đến người dân, với đất nước, nhưng họ chỉ cần nghiên cứu thấu đáo phương cách thực hiện. Muốn quán triệt, họ cần phải có nhiều bộ óc, cùng nghiên cứu mọi mặt của một vấn đề. Rõ ràng: bốn người trình độ như nhau, qủy quái tinh khôn như nhau; nếu ba người hợp lại để chống một người thì hầu như cái tất thắng là ở phía ba người.

Truyền thống từ nhiều đời, Đông cũng như Tây, ông cha đều đã dạy:”Ba cái đầu hơn một cái đầu”. Đông người mà cùng nhìn về một phía, cùng đem hết tâm hồn và trí lực để thực hiện một mục tiêu thì thành công.

Chứ đông mà “Ông chẳng, bà chuộc”, “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, người nầy kích bác, chống phá người kia, kéo bè, kết cánh để gây mâu thuẫn, đả phá lẫn nhau, thì lại không bằng một người. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn của Napoléon :”Một vị tướng tồi, còn hơn 2 vị tướng giỏi”. Việt Nam ta cũng có câu “Nhiều thầy, thối ma”.

Phương pháp của người cộng sản là : Trên cao nhất có bộ chính trị, sau đó là có một ủy ban trung ương, các cơ quan đoàn thể đều có đảng ủy: tỉnh, huyện, xã thôn đều có. Khâu nào cũng có tập thể cùng bàn bạc thảo luận nghiên cứu thấu đáo từng sự việc theo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Từ đấy suy ra: Thế Giới Tự Do của chúng ta đã phù hợp với lòng người; chúng ta không hề lừa lọc, bịp bợm người dân, nên có chính nghĩa. Vậy chỉ cần nghiên cứu về phương pháp thực hiện, đã thấy tính hơn hẳn của chúng ta đối với cộng sản rồi.

Bình luận về bài viết này