13. THỦY CHUNG – CHÍNH CHUYÊN

Thực sự ra, anh em Biệt Kích ai cũng sẽ như tôi, cũng ray rứt khắc khoải nhớ thương bố mẹ, vợ con, anh chị em, và miền Nam trong tim, trong máu. Nhưng tôi phải thử xem sao. ”Dục tốc bất đạt” ông bà đã dậy mình.

Mấy ngày trước, có vợ của anh Đoàn Phượng (cưới được một tuần, trước khi anh ra Bắc) ra mãi Hồng Thắng để thăm chồng sau 15 năm xa cách. Thoáng nghe mà lòng tôi đã háo hức muốn gặp, muốn nhìn thấy chị Phượng, một người con gái Việt Nam đã cho tôi được hưởng nét tự hào của dân tộc tôi. Anh Đoàn Phượng là một Biệt Kích ra Bắc từ mồng 7 tháng 6 năm 1963. Toán của anh là Tellus, gồm 4 người. Anh là truyền tin trưởng của toán. (Chương trước tôi đã trình bầy)

Khi một toán Biệt Kích hay đi lẻ như tôi, nếu theo những quy định thời gian đưa và đón, mà không về thì thường được kết luận là mất tích. Cái từ “Mất tích” bao hàm rộng: có thể chết, bị bắt, trốn chạy v.v… Coi như không có ngày về, thế mới thấy rõ tấm lòng của chị Phượng. Tôi chưa hề thấy mặt, nhưng lòng tôi đã dạt dào ngưỡng mộ. Tôi đã sang buồng của anh Đoàn Phượng gặp anh, tôi đề nghị :

– Đây là một sự cao đẹp của tình người, đề nghị anh Đoàn Phượng, một buổi để chị vào hẳn công trường, gặp luôn một số Biệt Kích của chúng ta, và cũng để anh em Biệt Kích được nghe, được nhìn tận mắt sự sắt son của một phụ nữ Việt Nam. Cũng để cho cán bộ cộng sản, nhìn thấy cái truyền thống, của tình tự dân tộc thiêng liêng, cho lòng người nở hoa như thế nào.

Ngày hôm sau, anh Phượng cho biết được cán bộ trực, cho phép sáng thứ Bẩy, chị Phượng và bà mẹ sẽ vào công trường. Anh em Biệt Kích ai cũng nức lòng, chúng tôi tạo mọi điều kiện có thể, cho buổi trùng phùng cảm động này.

Giản dị mộc mạc như cuộc đời của chúng tôi, một gian nhà trống không có đủ bàn, chỉ có mấy cái ghế dài kê chung quanh sát vách. Một cái bàn mộc con ở giữa, với một tích trà (mượn được của ông cán bộ trực), hai bao thuốc lá Trường Sơn.

Hơn 2 chục anh em Biệt Kích quần áo nâu sồng, ngồi kín những chiếc ghế dài. Gần 10 giờ, anh Phượng dẫn chị ấy và bà cụ trên 60 tuổi chậm chạp đi vào. Chúng tôi không ai bảo ai nhưng đều đứng hết cả dậy, mặt hớn hở, mắt long lanh, tay vỗ đôm đốp, như hoan hô, chào đón.

Căn buồng tuy bé nhỏ, nhưng đã tràn ắp tình người, làm cho anh Đoàn Phượng, bà cụ và chị ấy cũng lúng túng. Tôi và mấy anh đã Sấn đến, đỡ bà cụ vào ngồi một chiếc ghế độc nhất, dành cho bà cụ. Nhiều anh em, râm ran ríu rít thăm hỏi bà cụ và chị Phượng. Lưng bà cụ hơi còng một chút, tóc đã “muối nhiều hơn tiêu” nhưng tinh thần của cụ còn tỏ ra rất nồng nhiệt. Không nồng nhiệt mà thân già, còn lẽo đẽo theo con gái lên mãi miền sơn cước này, để thăm một “chàng” con rể tù có cái dấu “không có ngày về“.

Chị Phượng chừng hơn ba chục, rất ít nói, không hiểu sao tôi nhìn đôi mắt của chị, nó ánh lên cái mầu của lá bưởi non. Cái màu của thủy chung, của nghĩa tình.

Chẳng được anh em chỉ định, nhưng có lẽ từ hôm qua, anh em thấy tôi lăng xăng nhiều, trong việc đón rước chị Phượng và người mẹ yêu quý của chị. Vả lại, nhìn toàn bộ anh em, không thấy ai tỏ vẻ muốn phát biểu một vài lời, với cụ và chị Phượng. Thôi thì từ lòng ngưỡng mộ của mình, tôi nhìn anh Phượng rồi đứng ra nói đại, dù đã biết mình không có khả năng ăn nói. Lâu ngày tôi không còn nhớ được nguyên văn nhưng nội dung như sau :

– Thưa cụ và chị Phượng, cháu chỉ là một trong những anh em Biệt Kích như anh Phượng, do lòng ngưỡng mộ cụ và chị Phượng, nên cháu nói vài ý kiến. Đêm qua, cháu cứ khắc khoải mãi mà không ngủ được, nếu cháu không nhìn thấy, nghe thấy bằng tai, bằng mắt thì cháu không thể tin, trong cuộc đời ngày nay, còn những tình nghĩa sâu nặng như thế này. Cụ và chị đã làm cho cháu yêu thương cuộc đời này nhiều hơn, vì nó vẫn còn nhiều tình sâu nghĩa nặng mà cháu chưa, hoặc không hiểu được!

Tôi quay hẳn về phía chị Phượng :

– Thưa chị, trước đây các bậc cha, anh đã viết, đã nói nhiều về sự thủy chung, của người phụ nữ Việt Nam. Xin chị cho tôi hỏi chị một câu, cứ sự thật nghĩ sao chị trả lời vậy…

Thấy chị Phượng gật đầu, tôi hỏi ngay điều tôi muốn :

– Biết bao nhiêu Biệt Kích đã chết rồi, nếu anh Đoàn Phượng đã chết, thì chả lẽ chị chờ mãi ư?

Chị quay lại nhìn anh Phượng rồi nhìn tôi, chị nói bình thản :

– Tôi không có chờ anh Phượng!… Mà tôi đã xác định “Nếu anh Phượng sống trở về thì tôi có đôi, nếu anh chết thì tôi ở một mình”.

Một hơi lạnh chạy lên gáy của tôi! Tôi quay về chỗ ngồi, hút hết hơi thuốc Trường Sơn, khi nãy còn bỏ dở. Anh em tiến đến thăm hỏi cụ và chị Phượng được biết thêm, khi nhận được thư anh Phượng gửi về, chị Phượng muốn ra Bắc ngay, nhưng vì thân gái một mình, chưa hề biết gì về miền Bắc cả. Để rồi bà cụ thương cảnh hẩm hiu, của con gái và người con rể. Anh đã chẳng vì hạnh phúc của mình, mà dấn thân vào chỗ chết! Ra đi không hẹn ngày trở lại! Nên dù tuổi già sức yếu, cũng quyết một lòng dẫn con gái đến một miền, mà chính cụ cũng chưa hề biết.

“Các quý vị chính trị của đảng cộng sảnVN có nghe thấy không?

Một phụ nữ vô danh, trong hàng triệu những phụ nữ tầm thường vô danh khác, đã thể hiện, đã nói lên cái từ tự hào thiêng liêng truyền thống của dân tộc, là thủy chung, chính chuyên. Sự kiện này đã diễn ra ngay trong lòng bàn tay của quý vị.

Tôi cũng là một người Việt Nam tầm thường vô danh, tâm thành thưa với quý vị: Ngày nay, quý vị đã có tất cả, những điều của một con người mong có. Quý vị còn hiểu quán triệt hơn tôi: Muốn được hạnh phúc thanh nhàn miên viễn, thì phải biết tự chế.

Hẳng các vị cũng đã tự thấy: Thủy chung, chính chuyên là một khái niệm trong xã hội Việt Nam hiện nay; nếu không nói là không còn nữa, thì cũng đã bị chuyển đổi nội dung. Với riêng cá nhân tôi, đã qua, hiện nay và sau này, quý vị chủ trương ngược xuôi thế nào là quyền của quý vị, nhưng quý vị không thể phủ nhận được: Quý vị và tôi cũng là người Việt Nam.

Kính chào quý vị”

Xin phép quý vị độc giả (Để giải lao vài chục phút)

Cũng trong một lúc giải lao tình cờ khi ngồi viết, tôi rút một cuốn sách trong tủ sách. Mở đọc một trang. Tôi đọc, càng đọc, một sự ngờ vực đã cuộn lên trong lòng, chỉ cần thay đổi một vài tên nhân vật, cơ quan thì rõ ràng đây là của Thiệu + Kỳ, của một chính quyền mà các “ông” VC vẫn gọi à Ngụy quân, ngụy quyền tay sai bán nước v.v…

Tôi xin phép ông Bùi Tín, trích nguyên văn một đoạn tang 78-79 của Hoa Xuyên Tuyết:

“Bộ Chính Trị được họ xí những nhà sang trọng nhất ở TP HCM, Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang ….họ dành những biệt thự loại A1 cho Bộ Chính Trị, thường là cho từng ủy viên Bộ Chính Trị. Đó là nhà của anh Ba, anh Năm, anh Sáu… thường là đóng im ỉm, có người quét dọn, trông coi quanh năm, những “ông chủ” chỉ dạo qua vài ngày trong cả năm!

Ở khu vực Quảng Bá bên Hồ Tây, nhà họp con Rùa (mái nhà hình mai rùa) với hơn một chục biệt thự vây quanh là một khu cấm, canh ác cẩn mật. Nhà họp Con Rùa ấy trên công văn của văn phòng Trung ương mang tên nhà họp của Bộ Chính Trị. Mỗi biệt thự đều mang những tên ông chủ của nó: 12 hay 14 ủy viên BCT đương chức. Từ năm 1988, nó đã được chuyển thành cơ sở kinh doanh du lịch của Công Ty Hồ Tây do Ban quản trị Tài chính trung ương Đảng quản trị để kiếm lời.

Phía Bắc thành phố HCM, vùng Tân Uyên thuộc tỉnh Sông Bé có một khu rừng cao su rộng xen với những bãi đào lộn hột. Đây là khu săn bắn rất được ưa thích của các quan chức cơ quan thành ủy TP HCM. Mỗi khi có khách trung ương vào hay ở thành phố lên là cả vùng nhộn nhịp hẳn lên . Giám đốc nông trường cao su phải huy động từ hai đến bốn đội sản xuất bỏ công việc của mình đi lùa thú rừng vào “bẫy” cho các cụ bắn. Các quan chức cấp cao ngồi trong những ngôi nhà nhỏ lợp tranh chống nắng, giương súng giữa những quay rượu quý và những làn khói thuốc lá thơm để hạ thú: lợn rừng, nai, chồn, cầy hương, kỳ đà…Quanh những ngôi nhà ấy là suối tự nhiên. Chiếc cầu gỗ nối liền căn nhà được kéo lên để bảo đảm an toàn khi các nhà “thiện xạ” đã yên chỗ. Một kiểu đi săn quý tộc. Quý vị đâu có cần biết anh chị em công nhân nông trường vất vả ra sao, nông trường bị lỗ lãi thêm như thế nào do phải phục vụ những “đầy tớ của nhân dân” theo kiểu như thế, giữa sự đói nghèo đến cùng cực của đồng chí, đồng bào. Lại có kiểu đặc quyền đặc lợi do dưới thực hiện với trên đã thành nếp. Trước khi đoàn của Tổng Bí Thư và gia đình rời Đà Lạt, tỉnh ủy Lâm Đồng tặc cho tất cả các thành viên của đoàn hơn 30 người, mỗi người một gói quà khá lớn, có chè Bảo Lộc, cà-phê Buôn Mê Thuột, rượu bổ cùng mấy gói cao ác-ti-sô. Phu nhân, con trai, con gái cho đến cháu nội, cháu ngoại … mới 3,4 tuổi của lãnh đạo đều có phần của mình như nhau. Các cậu ấm, cô chiêu vừa ngỏ ý muốn nếm thịt rừng là ngay đêmấy Văn Phòng Tỉnh Ủy cử ngay một số đi săn, băng rừng lợi suối cố lôi về một con hoãng.”

(xin trở lại Thép Đen)

Trong hơn 2 chục anh em Biệt Kích cùng tiếp đón bà cụ và chị Đoàn Phượng, có một cậu mặt còn non choẹt “búng ra sữa”. Thấy hơi khác thường tôi đã gọi em ra riêng, lúc buổi gặp chị Phượng đã vãn. Em đã ngập ngừng, ngượng nghịu đỏ mặt, trong khi truyện trò, ân cần thăm hỏi của tôi. Em tên là Lê Trung Tín, khi gia nhập và được huấn luyện trở thành một Biệt Kích nhẩy Bắc em mới có 17 tuổi, hiện nay em đã 27 tuổi rồi. Sau buổi tâm tình với em, tôi biết sơ lược toán của em là Red Dragon gồm 7 người:

1. Phạm Ngọc Anh, được tha về, đã chết ở Sài Gòn.

2. Phạm Xuân Kỳ. Toán phó truyền tin. Hiện nay ở tiểu bang Texas.

3. Nguyễn Thái Kiên. Hiện nay ở Atlanta.

4. Phạm Ngọc Khánh. Hiện nay ở Boston MA.

5. Vũ Sử. Hiện nay ở Washington.

6. Nguyễn Hữu Tấn. Hiện nay ở California.

7. Lê Trung Tín. Mới nhất hiện nay (2004) nghe nói đã đến Colorado.

Ra Bắc ngày 21-9-1967. Địa bàn hoạt động tại Hà Giang. Dù toán của em ra Bắc muộn, nhưng cũng đã ở tù hơn 10 năm rồi. Em rất thân với Vòng A Cầu.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, cân nhắc, hơn nửa tháng trước tôi đã làm một lá đơn xin đi phép 2 tuần về Hà Nội thăm bà Dì và mấy người em. Tôi đã nộp đơn lên Ban Gíam Đốc của công trường, cũng đã hơn nửa tháng mà đơn vẫn chưa được trả lời, là được chấp nhận hay không? Qua nghe ngóng Gíam Đốc T.B. Oanh đã công tác về Hà Nội.

Tôi nghe một vài nguồn tin của người dân Bắc Ngầm: trong Nam cộng sản đã đuổi và cho người Hoa trở về Trung Quốc. Rồi khoảng đầu tháng 2-1978, chính cậu Lê Trung Tín và Vòng A Cầu đã đi đâu, 9 giờ tối cũng không có mặt, theo nội quy của công trường. Một buổi chiều, sau giờ lao động ở lán mệt nhọc, tôi trở về công trường, vừa tắm rửa xong. Một em hình sư, đến bên tôi nói nhỏ :

– Bẩy giờ tối nay, anh ra chỗ gốc cây Sồi ở ngã ba, có người muốn gặp anh.

Phần vì vừa tắm đang vội về, để ra chỗ anh Tâm y tá công trường xã hội (CTXH) đã hẹn từ hôm qua. Phần khác trời đã hơi cập quạng, nên tôi đã không nhìn rõ cậu em hình sự đã nói với tôi. Tôi thấy dù sao cũng không thể ra gặp Tâm (chuyện trò bình thường). Hôm nay phải ra xem ai cần gặp tôi lúc 7 giờ tối nay? Nhiều băn khoăn cũng không thể dự đoán được, vậy chỉ còn cứ đi sẽ biết. Cũng chẳng xác định được hướng lành dữ ra sao! Nhưng bản tính, dù ngược hay xuôi thì chỉ thêm cho sự kích thích, của lòng tôi hơn.

Trời tối, tôi đánh bộ đồ nâu sồng công nhân, mò ra chỗ hẹn. Chủ trương của tôi là ra sớm, ra trước giờ hẹn, rồi tìm vị trí thích hợp kín đáo ngồi chờ, chủ động quan sát để biết người muốn gặp mình là ai?

Không có đồng hồ, nên chỉ dự đoán theo giờ của cái đồng hồ ở công trường, có thể sẽ sai, đúng 5-10 phút. Tôi ngồi đã ê cả chân trong một bụi cây con, xa chỗ gốc cây Sồi đến gần 100 mét. Trong ánh sáng cập quạng của núi rừng tối muộn, tôi vẫn còn nhìn thấy gốc cây Sồi sơn mầu trắng, theo quy cách của thời Pháp thuộc. Chừng mươi phút sau, có bóng một người đi xe đạp từ phía Bắc Ngầm đi tới. Cũng may, từ công trường ra, tôi đã đi qua cây Sồi mới ngồi chờ, tôi cố nhìn theo bóng người đi xe mà tôi đã hơi ngờ ngợ. Đúng như rằng, người đó dựng xe đạp vào gốc cây rồi bước ra giữa đường. Tôi hơi giật mình, vì bóng đó ra giữa đường nên tôi thoáng qua dáng dấp quen quen. Ồ…. Sín Lồ! Sao lại kỳ lạ như thế! Sín Lồ là tiểu đội trưởng du kích của Bắc Ngầm, tuy có hiện tượng là câu chuyện tấm hình của HCM bị lệch. Nhưng có gì đến nỗi hôm nay đến hẹn gặp tôi như thế này? Đã quan sát rồi, chỉ có một mình Sín Lồ.

Tôi chờ anh ta quay mặt về phía công trường, tôi lách vội ra đường, như một người đang đi trên đường. Coi như không để ý đến người đứng ở một gốc cây, mặt tôi nhìn chéo với gốc cây 45 độ, theo dõi thái độ của Sín Lồ. Cậu ta đã nhìn thấy tôi, và tiến ra, vậy thì tôi tiến vào, và vồn vã :

– Sao lạ thế! Có cái gì mà phải hẹn ra đây? Cậu chỉ cần nhắn là tôi sẽ ra tận…

Cậu ta đã ngắt lời tôi, ra hiệu tay nói nhỏ! Rồi cậu ghé gần tôi vẻ thân mật :

– Anh có đi TQ không? Sẽ đi với một người nữa cũng ở công trường.

Tôi đã chợt thấy có vấn đề, tôi định hỏi với một người nữa là ai ở công trường? Thì Sín Lồ đã nói vẻ vội vàng :

– Nếu anh đồng ý đi, từ 9:30 đến 10 giờ tối mai, anh ra đây sẽ có người đưa đi!

Nói rồi, Sín Lồ đập nhẹ vào vai tôi như từ giã. Cậu ta nhẩy xe đạp đi ngược, về phía Bắc Ngầm.

Tôi bần thần cả người trên đường đi về công trường. Không biết người kia là ai, để từ đấy phần nào thấy về hướng nào? Là chính trị hay hình sự? Nếu chính trị thì Biệt Kích hay chính trị địa phương? Và điều quan trọng nhất: Sự việc này thật hay giả? Có bàn tay đen nào nằm trong vụ này không?

Đêm hôm ấy và ngày hôm sau, trong lòng tôi như có một trận bóng đá Quốc Tế, với những cú lách, lừa nhè nhẹ, nhưng có những cú “sút” sấm sét như “căng chỉ” làm bàn. Bao nhiêu phán đoán, bao nhiêu giằng co, bao nhiêu rụt rè e sợ, nhưng cũng bao nhiêu liều lĩnh coi trời “bằng vung”.

Có những lúc tôi đi thơ thẩn, lang thang ở cả hai căn nhà. Nhìn người này, rồi nhìn người kia để từ đấy có cảm nhận một hiện tượng gì làm cơ sở. Tôi đã nhìn thấy cả cái cậu tên Công, đã có lần hỏi tôi, nếu tôi nhận thì cậu sẽ “xong ngay”

Nhưng quan sát hàng chục bộ mặt đã thấy không phải đối tượng, mà tôi đang cần tìm. Tôi cũng muốn tìm lại cái cậu hình sự đã hẹn cho tôi gặp Sín Lồ. Nhưng như tôi đã nói rồi, chiều hôm qua tôi thật vô tâm, không còn nhớ được dáng dấp và hình hài bộ mặt chút nào.

Để rồi thật buồn cười như câu chuyện “mất búa” trong “Đắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie. Xin phép quý vị, (tôi đọc trước khi tôi bị tù), khi ấy tôi 19 hay 20 đã đọc rồi. Tôi xin sơ lược lại cho những vị chưa đọc. Nội dung như thế này:

“Có một ông chăm chỉ làm ăn, một hôm có một cậu bé hàng xóm sang chơi đùa với con ông. Nhưng ngày hôm sau, ông có cái búa con, ông vẫn thường dung hàng ngày để đóng đinh, bây giò không tìm đâu ra cho thấy. Suy nghĩ hết mọi lẽ, chỉ thấy có cậu bé hàng xóm hôm qua sang chơi, là đáng nghi ngờ hơn cả. Ông đã tìm, đã hỏi tất cả người nhà của ông rồi.

Ông cũng thấy cậu bé hàng xóm đó lanh lẹn và đôi mắt sáng lắm! Hôm nay cậu bé lại sang chơi! Đã có chủ trương rồi nên ông để ý mọi vấn đề. Từ nét mặt, từ dáng đi, từng cử chỉ chạy ra chạy vào trong nhà ông, nét nào của cậu bé cũng là nét của thằng ăn cắp. Nhất là đôi mắt, sao mà gian xảo thế, liếc nhìn ông nhanh như cắt. Ông càng khẳng định hơn, chờ dịp ông bắt quả tang mà thôi. Ngày hôm sau, ông có dịp với tay lên nóc tủ áo của ông để lấy một đồ vật, ông đã sờ thấy cái búa mà ông đã tưởng cậu bé hàng xóm lấy mất.

Trở lại buổi hẹn với Sín Lồ, cho đến chiều ngày hôm sau (cái buổi chiều có cái hẹn tối 9:30 đến 10 giờ). Tôi đã xác định như sau: Với cái tuổi của mình thì việc gì cũng còn dài, sự việc nào không rõ ràng, nhiều mơ hồ thì đừng có vội vàng hấp tấp, và tôi đã bỏ buổi hẹn. Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa quên buổi hẹn ngày ấy.

 

Bình luận về bài viết này