51. ĐÀM ĐẠO, BẠN BÈ INDO

Do những quen biết với một vài giáo viên Anh Văn người Indo, một ông 38 tuổi dậy văn hóa Mỹ lớp tôi là Darko Sin. Anh này rất thích nói chuyện với tôi, từ khi anh sát hạch, biết sơ qua CIA, đã đào tạo tôi ở Sài Gòn. Anh rất tò mò muốn biết nhiều chuyện tù đầy, trong chế độ cộng sản miền Bắc VN. Vì thế, anh đã tổ chức một bữa cơm, có tôi và 5- 6 người bạn của anh. Mục đích, anh muốn tôi nói những nét chính yếu, tôi đã ra Hà Nội đầu 1962. Để hỗ trợ Anh ngữ ngập ngọng của tôi, tôi đã mời theo anh Vũ Linh Huy, tổng thư ký của ban đại diện trại.

Mở đầu bữa cơm, có nhiều chuyện đề cập, nhưng đều có chung một quan điểm: Trong sự quen biết giữa người với người, điều quan trọng bậc nhất là sự chân thành, dù có lúc gồ ghề, thô kệch, nhưng sẽ dài lâu.

Mấy người Indo, có anh là cảnh sát trưởng phòng hình sự Galang, và một ông trong ban Cao Ủy Tị Nạn. Các anh tỏ ra xề xoà thẳng thắn, đã nói thực:

“Vì có các anh là Việt Nam, chứ chỉ riêng chúng tôi thường dùng 10 chiếc đũa trời, chẳng cần thìa, đũa, bát”.

Các anh nói là thực, chính tôi đã nhìn thấy những nhà dân Indo, thường ăn bốc.

Cơm nước bia, rượu đã lưng chừng, anh Darko Sin đứng dậy yêu cầu tôi tường thuật sự việc v.v. . . Anh cũng khỏa tay với mấy người bạn anh, là cũng muốn biết diễn tiến, của sự việc. Để đáp lại tình giao hảo, với tiếng Anh phải dùng tay phụ họa, tôi đã lần lượt tường thuật lại sự việc tôi ra Bắc, và trả lời mọi câu hỏi của các anh. Cuối cùng các anh dồn hết vào một câu hỏi:

– Tại sao nước Việt Nam, tình huống thế nào để bây giờ, các anh phải bỏ nước ra đi?

Một câu hỏi đơn giản, nhưng thật nhiêu khê để trả lời. Tôi và bác sĩ Huy nhìn nhau, anh Huy đã định trả lời, nhưng không hiểu nghĩ sao, anh lại bảo tôi cứ nói, rồi anh phụ.

Tự biết mình có nhược điểm ăn nói, uống một hơi bia đầy, hỗ trợ, ngồi trầm lắng một phút, tôi thấy sự việc lổn nhổn như một đống xà bần. Tôi nghĩ không gì bằng, hãy theo lời dậy của đức Khổng Phu Tử: tìm một thí dụ để minh giải, chỉ cần cho các bạn, hiểu khái niệm diễn tiến chính. Nghĩ như thế, tôi giơ tay làm hiệu, xin nói. Cả bàn ngồi yên, tôi nói đại:

– Thưa các bạn, khả năng Anh ngữ của tôi yếu kém. Tôi đưa ra một thí dụ để minh giải, xin các bạn cố gắng để hiểu tôi:

” Có hai ông bà cụ kia tuy quê mùa, nhưng rất hiền hòa, đôn hậu. ông bà sống với một đàn con ngoan. Ông bà giữ nền nếp gia phong, thường dậy đàn con: Con trai thì phải tuân theo ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Con gái thì phải ứng dụng tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh “. Tâm linh với đất, với trời, với thượng đế, với tổ tiên.

Một tên giầu có ở phương Tây sang chiếm ngôi nhà, lấy lý do là khai phá dạy bảo, cho biết văn minh. Thực tế nó bất cả nhà làm nô lệ, phải phục dịch nó, nhưng nó không hề động đến nền nếp gia phong, mà còn khuyến khích mọi người tôn thờ thần linh các tôn giáo. Tuy có lam lũ, khổ cực nhưng cuộc sống cũng tạm qua ngày.

Mấy nhà hàng xóm chung quanh, cũng bị những tên giầu có khác, cũng ở phương Tây đến chiếm nhà. Cảnh sống của những nhà hàng xóm đó, cũng khổ cực lầm than, như gia đình ông bà cụ

Một thằng con của ông bà cụ đi tha phương cầu thực trở về đã khích lệ, vận động ông bà cụ và các anh chị em, hãy đứng lên đuổi tên nhà giầu ác ôn đi. Ông bà cụ cũng như anh chị em, đều đồng ý góp tiền, góp công vất vả gian lao đã đuổi được tên nhà giầu chó chết đi.

Nhưng thằng con tha phương đã bắt anh chị em và cả ông bà cụ phải ăn, ở có tiêu chuẩn. Không được sang nhà hàng xóm chơi, và cũng cấm hàng xóm sang nhà mình. Nó còn cấm cả nhà không được thờ cúng ông bà tổ tiên, thần Phật hay Chúa nữa.

Thấy thằng con ngỗ ngược côn đồ, ông bà cụ và những người con khác định lấy tình cha con, anh em khuyên bảo cho êm ấm hoà thuận gia đình.

Nhưng tên con côn đồ ngỗ ngược đã không nghe, mà còn xúc xiểm, chia rẽ anh em cha con. Thậm chí, nó còn thủ tiêu anh chị em nào cứng cổ, đứng lên phản đối. Nó còn hành hạ bịt miệng cả bố mẹ và anh chị em, để rồi phải đánh nhau tơi bời.

Chín năm trường, đuổi được tên ác ôn nhà giầu trước đây là công lao của cả nhà, nhưng tên con ngỗ ngược này, nó dành hết là công của nó. Thực tế, đã đến giai đoạn, các tên nhà giấu phương Tây khác, cũng phải trả nhà dần hết lại cho hàng xóm, vì: Thế đã đến thời.

Cuối cùng căn nhà êm ấm của ông bà cụ phải chia đôi, thằng con ngỗ nghịch bịp bợm, rủ rê được một số anh chị em ngây thơ nhẹ dạ, ở nửa phần phía Bắc. Một số anh chị em đã biết mặt thằng đểu, đều về phía Nam căn nhà. Bố mẹ cũng biết dã tâm của thằng con ngỗ ngược, nên đã về phía Nam sống với.đàn con hiền hòa, ngoan ngoãn, biết thờ cha kính mẹ, giữ truyền thống đạo lý của gia đình, tổ tiên.

Không ngờ dã tâm của thằng con ngỗ nghịch ở miền Bắc, dùng trăm mưu nghìn kế, làm sao để nó chiếm cả ngôi nhà. Bố mẹ cũng biết là thằng con mất dạy, nhưng vẫn không ngờ là nó đâm lén cả bố nó gần chết, nên nó đã chiếm được cả ngôi nhà. Ông bố bị nó dán băng kín cả miệng đang nằm dưỡng thương một chỗ. Chúng tôi đã biết cái máu rắn độc của nó, bố nó mà còn bị đâm lén, bịt miệng, bịt mồm, huống chi là anh chị em. Cụ thể anh em nào phản đối, nó giết hoặc cho vào nhà tù. Chúng tôi là những người chạy thoát sang đây. Cả 6 – 7 người đều đứng dậy vỗ tay, anh Darko Sin đã cười nói:

– Thằng con ngỗ nghịch là Hồ Chí Minh!

Rồi ông Cao Ủy cũng dõng dạc:

– Ông cụ bị đâm lén và các đứa con ngoan, là Việt Nam Cộng Hòa?

Tôi không định mà tay vỗ đồm độp, tự thưởng cho tôi đã sắp xếp tạm đống xà bần, đồng thời cùng mọi người nâng cốc, thêm rượu. Anh cảnh sát trưởng hình sự đã đứng lên mặt đỏ bừng, nhìn tôi mắt trợn trừng, tưởng như anh sừng sộ với tôi. Tay của anh chặt chặt, vào không khí:

– Ngày 30-9-1965 đến tháng 3-1966 chúng tôi đã chặt cổ hết tụi nó!

Tôi và BS Huy đều ngơ ngác, thì anh Darko Sin đã đứng lên từ tốn, rành mạch:

– Để đáp lại tôi cũng xin tường thuật vài nét sơ lược, về đất nước tôi:

” Khoảng cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60 ông Shokarno làm tổng thống, đứng đầu những nước trung lập, lãnh đạo khối thế giới thứ ba. Ông ta được các nước cộng sản nhiệt liệt hoan nghênh, nhất là Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh. Khi ấy HCM đã thổi Shokarno như một anh hùng sáng chói của thế giới, những bài ca ra rả trên đài như:

Shokarno… .Hồ Chí Minh.

Đất nước vạn dừa .xanh.

Anh nhìn sang đây, tôi nhìn sang đây………..

Trong khi Mao tung cán bộ vào Indo, vì có nhiều người Hoa kiều ở khắp các đảo, chúng bí mật tuyên truyền lập nhiều tổ đảng cộng sản, ở khắp các cơ quan đầu não. Trong quân đội chúng có những đường dây chằng chịt, để rồi đêm ngày 30- 9- 1965, bất ngờ chúng bắt tất cả những tướng chủ chốt, của quân đội gồm 7 tướng và làm một cuộc đảo chính. Chúng đã giết và chặt cổ 6 vị tướng, một vị tướng đã trốn thoát là Shoharto.

Ông ta mau chóng, kịp thời củng cố quân đội, và những vệ binh cảnh sát Quốc Gia, quyết liệt phản công lại lũ cộng sản. Cho tới sáng ngày hôm sau, một phong trào rầm rộ của quần chúng nhân dân, đã cùng với quân đội lùng sục mọi tàn dư của đảng PKI (đảng cộng sản Indo). Lòng phẫn nộ của quân đội và nhân dân trong một năm đã giết, chém cổ gần một triệu (1 000 000) tên côn đồ, phản tổ quốc này. Giữa tháng 3-1967, toàn dân nhất trí bầu ông Shoharto lên làm tổng thống, theo chế độ Cộng Hòa. Nước Indonesia đã gia nhập trở lại Liên Hiệp Quốc và hiệp hội ASEAN.

Ông Shokarno đã ngả theo và dung túng cộng sản, nên bị quần chúng quản thúc, giam ở trong tù và đã chết ngày 21-6-1970. Hiện nay tổng thống của Indo là tướng Shoharto.

Anh Huy và tôi, cả những người Indo đều đứng dậy vỗ tay cảm ơn anh Darko Sin. Tôi tưởng bữa cơm họp mặt hôm ấy, đã tạm thời ổn thỏa.

Nhưng sau đó, cái ông trong Cao Ủy (rất tiếc tôi không thể nhớ được tên) đã nhìn tôi, rồi đưa ra một vấn đề băn khoăn khó hiểu, của ông. Ông đã đứng hẳn lên thong thả rõ ràng:

– Chế độ cộng sản đã đưa đến nghèo đói, lầm than cho mọi người dân, trong nước. Mọi quyền tự do, kể cả tôn giáo đều bị bóp nghẹt. Tại sao trên thế giới còn rất nhiều cá nhân, đoàn thế, nhất là giai cấp trí thức, vẫn nồng nhiệt, nếu không nói là say mê, ủng hộ làm lợi cho cộng sản?

Anh Huy và tôi lại nhìn nhau, anh Huy lắc lắc đầu nhìn tôi như muốn nói gì. Tôi hiểu ý của anh là: ” Lại một vấn đề hắc búa, không phải chỉ trả lời một câu đơn giản “. Đã có hơi men, giữ nhịp độ ca-lo-ri trong người, thái độ của anh Huy như thế, làm nhịp độ trái tim “cuồng” của tôi phồng hơn. Như một đòn bẩy vào chỗ coi trời, bằng hòn đảo JAVA. Tôi đứng dậy nhìn thẳng vào ông Cao Ủy Tị Nạn:

– Xin cảm ơn ông đã hỏi một câu khá độc đáo. Một sự việc đang nóng bỏng trong thời đại, của chúng ta. Để làm sáng tỏ điều băn khoăn của ông, phải nói nhiều, nói dài, mà bữa cơm của chúng ta hôm nay đã tối muộn.

Vả lại điều thắc mắc của ông thực tế, đã được trả lời rồi. Qua nội dung thắc mắc, ông là người rất quan tâm đến xã hội và thời đại. Do thời gian và sự kiện, có rất nhiều bí ẩn lịch sử đã được bạch hóa.

Xin ông hãy lắng đọng, một mình nghĩ suy và tìm lại báo chí tài liệu: Những trí thức thiên tả, thiên cộng sản của Indo, cụ thể là một tổng thống Shokarno. Ở nước tôi: một số trí thức từ Pháp, từ Đức về nước theo cộng sản.

Ngoài thế giới, đầu tiên là Phong trào Caucaise vùng Tây Bá Lợi Á, mà Lênine đã lợi dụng như thế nào. Biết bao nhiêu cá nhân mà cụ thể là triết gia, bác học Bertrand Russell người Anh, giải thưởng Nobel văn chương 1950 (18-5-1872, chết 2-2-1970). Mới đây là cô đào Jane Fonda đã vẻ vang tự hào, ngồi trên mâm pháo của Việt Cộng. Ngay mới đây là những trí thức và mặt trận giải phóng, tức Chính Phủ Lâm Thời Cách Mạng Miền Nam. Những nhà trí thức khoa bảng như Nguyễn Hữu Thọ, Đào Sĩ Chu, Nguyễn thị Bình, Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v. . . nhiều lắm.

Muốn nhìn rõ bản chất sự việc, phải đào sâu, xét kỹ hoàn cảnh cá nhân, gia đình điều kiện xã hội, chủ quan, khách quan, không gian, thời gian. Rất nhiều nguyên nhân, yếu tố nhưng có một cái chung: Mỗi người giỏi, xuất sắc về một lĩnh vực. Các ông, các bà tiến sĩ, thạc sĩ, bác học, họ đã đầu tư gần hết trí óc và thời gian, miệt mài để có những bằng cấp của họ.

Vì vậy, ở những lĩnh vực khác họ lơ mơ, phiến diện, nhất là lĩnh vực chính trị, nên hầu hết là ngây thơ nông cạn. Khi đã giỏi, xuất sắc một lĩnh vực, thì các lĩnh vực khác kém, nông cạn là một điều tất yếu, bình thường, của một người.

Nhưng một điều ngộ nhận của đa số quần chúng, và chính bản thân những vị trí thức này: Những người có bằng cấp cao như thế, thì lĩnh vực nào cũng giỏi, cũng quán thấu. Do đấy họ nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản chỉ trên lý thuyết, sách vở (Lý thuyết và sách vở thì chủ nghĩa cộng sản đẹp và lý tưởng lắm), rồi họ hành xử, phát biểu đàng sau cái bằng cấp, của họ.

Tôi hiểu ông Cao Ủy, và mọi người chưa thỏa đáng lắm, sự trả lời của tôi, nên tôi nói tiếp:

– Thưa ông và các bạn, tôi vừa đưa ra chỉ có tính cách gợi ý, đề nghị các bạn tự suy ngẫm, tìm hiểu thêm trong thực tế. Một điều nữa xin các bạn lưu ý: Chủ nghĩa cộng sản do thời gian và thực tế đã có chiều hướng, không còn phù hợp với con người tự nhiên. Muốn duy trì, chúng phải bịp bợm, lôi kéo, gây mâu thuẫn, để chia rẽ, phía thế giới tự do của chúng ta. Chúng nghiên cứu mọi cá nhân, đoàn thể có uy tín với quần chúng. Một câu nói, một việc làm do vô tình của người này, đoàn thể kia, chúng chộp ngay, đề cao, thổi phồng. Nếu không tỉnh táo, chúng ta vội vàng phản đối, chê bai. Người ấy, đoàn thể đó đã tách ra và bị lôi dần về phía cảm tình với cộng sản.

Đột nhiên anh cảnh sát trưởng phòng hình sự đứng lên, điềm đạm đưa ra ý kiến:

– Tôi biết ngay trong đám người tị nạn ở đây, có nhiều người hoạt động bí mật cho cộng sản. Từ đấy suy ra trong các cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại, không thiếu những người vẫn bí mật, làm việc cho cộng sản. Anh có thấy như thế không?

Tôi không ngờ người Indonésia, hiểu biết nhiều về cộng sản, như vậy. Họ đưa ra toàn những vấn đề phải đàm đạo, mổ xẻ truy nguyên từng chi tiết. Tôi chỉ nói ngắn gọn, vì đã đến giờ mọi người ra về :

– Từ trước tới bây giờ, thế giới cũng như riêng Việt Nam, biết bao nhiêu tấm gương người thực, việc thực về những người nằm trong xã hội tư bản hoạt động bí mật cho cộng sản. Các người này có thấy hay ít ra cảm thấy: cộng sản kỵ nhất, nhưng vẫn phải dùng những người đã biết và nếm mùi của xã hội tự do tư bản!

Chúng biết những người này sớm hay muộn, sẽ lửng lơ không chịu ngoan ngoãn trong khuôn khổ sắt máu độc tài của chúng. Vì vậy, mỗi người chúng gửi đi nước ngoài, chúng phải nắm chắc được xương sống của người đó. Coi như chúng đã cấy “Sinh tử phù” người đó, phải hoàn toàn ngoan ngoãn, làm theo ý của chúng.

Rồi sẽ đến một ngày, như một lũ chó săn, đã hết mồi, không còn giá trị lợi dụng nữa, nuôi chúng trong tay chỉ có hại. Điển hình vừa đây nhất là: Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn. Những người nằm vùng, hoạt động cho cộng sản, ai đã có công lao to lớn bằng Nhạ và Ẩn? Bây giờ cuộc sống ra sao?

Chúng là loại chiến lược: Nhạ là Cố Vấn tin cẩn nằm trong phủ Đầu Rồng của Tổng Thống Thiệu. Còn Ẩn đã được thời cụ Diệm đưa đi học lớp báo chí nhiều năm ở Hoa Kỳ. Để rồi hầu hết những tờ báo lớn của Mỹ và phương Tây, thậm chí cả những cơ quan tình báo của CIA, đã là những vỏ bọc vững chắc cho Ẩn. Y đã dễ dàng lấy được hầu hết những tin tức chiến lược, hay tung hỏa mù làm lạc hướng, các cơ quan có trách nhiệm.

Đến khi cộng sản chiếm được miền Nam, để làm mồi câu những con chó săn khác, sau này. Chúng phong cho Ẩn là Đại Tá, rồi mới đây (1980), chúng gán cho cái lon Thiếu Tướng, phụ trách những việc không thực quyền, ngồi chơi xơi nước. Người quen tôi ở Sàigòn cho biết: năm 1982 Ẩn sống một mình, âm thầm trong một cái villa với 6, 7 con chó, trên đường Kỳ Đồng, Dòng Chúa Cứu Thế.

Lý do những tên nằm vùng của cộng sản, về cuối đời thường cô đơn, sống lủi thủi bó chặt nỗi ẩn ức. Chủ không dùng nữa, để cho ngồi chơi xơi nước, chứ không có thực quyền. Tâm trạng tên nào cũng ôm ấp, ít nhiều lòng kiêu hãnh tự tôn, với chung quanh. Nhưng bạn bè, thậm chí họ hàng thân quyến, cho đến quần chúng, không ai ưa loại người sống lá mặt, lá trái, nên chẳng ai muốn quan hệ.

Nói tới đây, tôi và anh Huy nhìn nhau, đều đứng dậy, vì trời đã tối muộn quá rồi. Với những cái bắt tay nồng nhiệt, anh Darko Sin còn nói to:

– Chúng ta sẽ gặp lại, còn nhiều điều phải đàm đạo.

Bình luận về bài viết này