14. Chuyến Đi Định Mệnh…

Sớm, muộn, rồi ngày tháng cũng đến mức ấn định. Sau một trận mưa đêm hôm trước, sáng hôm 28/5, khung trời Đà Nẵng không một vần mây. Phố phường cảnh vật như được lau chùi, rửa sạch từ đêm. Khí hậu đầu Hè dịu mát như mùa Thu.

Đã hẹn trước, 11 giờ Phan đến đón tôi, tôi đã lại lột xác của Đặng Chí Bình, một thanh niên của miền Nam tự do đầy hương sắc, để trở thành một Lê Viết Hùng, học sinh lớp 10 bằn xương bằng thịt của vùng Vĩnh Linh khô cằn, lạc hậu, mảnh đất tuyến đầu của cái gọi là xã hội chủ nghĩa.

Hôm đó, cũng là buổi ra đi, buổi giã từ Đà Thành và cả miền Nam hiền hòa nhiều ân tình, để đi về một phương trời đầy chông gai nguy hiểm, lòng tôi thật nhẹ nhàng lâng lâng, Có lẽ một phần vì là chuyến đi thứ hai, đã giảm đi sự xốn xang hồi hộp của buổi ban đầu, nhưng vì còn một phần nữa, nằm sâu kín trong tâm tư tôi. Đêm hôm trước, nằm nghe tiếng mưa rơi, tôi đã liên tưởng đến những quãng đời khi tôi còn sống ở Sài Gòn. Từ hình ảnh những người ruột thịt thân thương, những bạn bè đầy nghĩa tình, đến những người trong Cục, tất cả đều rõ ràng như một cuốn phim lướt nhanh trước mặt. Tôi hiểu, ít nhiều đã có một số người trông chờ nơi tôi. Rồi, như một niềm thúc đẩy, ngay từ hồi đêm, tôi đã nâng quyết tâm và tự nhủ thầm, phải làm được một điều gì để không ngượng với tấm thân trai, khi đất nước còn trong cảnh chia hai xẻ ba như thế này. Đã ra đi, bằng mọi giá, mọi cách, phải đến bờ: Dù chẳng hay ho, thì cũng phải húng hắng được một vài.

Khi chúng tôi ra đến bến cũ, trong biệt khu Hải Quân, đã 11 giờ 30, mặt trời gần đứng bóng. Chiếc hải thuyền vẫn đậu bến xưa một mình trong chỗ hẻo lánh của Biệt khu.

Ngay từ còn xa, thoáng thấy xe Phan và tôi đến, dưới thuyền đã lố nhố mấy anh thủy thủ quen mặt, quần áo nâu sồng, nét mặt người nào cũng tươi tỉnh như khung trời Đà Nẵng. Khi xe ngừng hẳn, một anh đã quen như lần trước, vội chạy lên bờ, xách chiếc ba lô và vật dụng của tôi xuống. Chỉ mới một lần cùng chia xẻ hiểm nguy mà tình thân thương đồng đội đã nhanh chóng nẩy mầm giữa tôi và các anh các bác. Những chiếc bắt tay nồng hậu, những ánh mắt long lanh gần gũi như ruột thịt anh em! Bến cũ người xưa, công việc làm lại.

Nhớ lại ban sáng, khi tôi đưa bản quy ước đón tôi (Cục và Phan muốn chính tôi viết, tôi sẽ nhớ lâu. Cục sẽ giữ bản viết này), tôi đã khẳng quyết vào ba đêm: 22, 23, và 24 của tháng Sáu. Mỗi đêm hai tiếng, từ 1 giờ đến 3 giờ sáng. Đổ bộ ở điểm nào, sẽ đón ở điểm ấy. Phải phòng hờ ba đêm để dự trù trước những trục trặc trở ngại về phía tôi là chính. Có thể nhỡ xe, nhỡ tầu, trốn chạy, v.v… nghĩa là trăm nghìn thứ chưa thể biết trước. Theo quy định, cứ từ 1 giờ đến 3 giờ sáng, trong ba đêm ước định, tôi sẽ dùng chiếc máy con hồng ngoại tuyến, hình dạng giống như cái ống nhòm hai ống kính, chạy bằng pin, dùng máy ngày nhìn ra biển. Chiếc máy cứ 30 giây, nháy sáng lên một lần, ánh sáng màu hồng xanh. Tia sáng máy này thật nhỏ, thậm chí trong đêm tối, nếu có người chỉ đứng cách xa 10 mét cũng không thấy gì. Thuyền ở ngoài khơi, cách xa hàng chục cây số, trong đêm tối, cũng dùng loại máy này nhìn vào bờ, sẽ nhìn thấy điểm sáng loé lên xanh như làn chớp, từ đó, thuyền theo điểm nháy sáng mà vào. Tôi có cảm tưởng, chúng tôi như những cô nàng và những anh chàng đom đóm bật tín hiệu để tìm nhau trong đêm khuya. Chỉ có khác là khoảng cách quá gần và quá xa.

Tôi đang bần thần nghĩ ngợi, đưa mắt nhìn những người thủy thủ đang mỗi người một việc chuẩn bị cho con thuyền sắp rời bến. Ông Phan đứng nói chuyện với ông già thuyền trưởng quay lại khẽ đập lên vai tôi, cười:

– Làm gì mà mặt thần ra thế?

Tôi quay lại, cũng cười, nói với Phan mà cũng như nói với ông già:

– Tôi linh cảm thấy chuyến này đi dứt khoát, phải đến bờ.

Cả hai, ông già và Phan, cùng cười. Rồi không ai bảo ai, đều ngửng lên nhìn trời, đầu hơi gật như thừa nhận lời tôi nói là có giá trị. Chẳng hiểu vì quên hay cố ý, lần này Phan lên bờ không bắt tay tôi, chỉ đứng giơ tay vẫy vẫy, khi con thuyền từ từ quay mũi rời bến.

Tâm lý của con người thật cũng lạ! Mới khi ra đây, tôi thấy lòng thanh thoát lâng lâng, thế mà lúc con thuyền rời bến, thấy Phan đứng trên bờ với chiếc xe díp. Bóng dáng Phan mặc quần áo trắng nốp, nổi bật giữa mầu xanh của cỏ cây, tôi cảm thấy ngút ngàn xa vời vợi, như hình ảnh của cả miền Nam cũng mất dần, mất dần; nhất là lúc đó một giọng hát trữ tình của một người con gái phát ra từ chiếc radio nào đó của mấy dẫy doanh trại phía mé sông, đang nỉ non réo rắt, trải dài trên sông nước buổi trưa Hè. Tôi không biết bản nhạc này, nhưng không hiểu tại sao, tôi đã nghe bản nhạc đó không bằng tai mà bằng nội tâm, lúc như tha thiết nhắn nhủ, lúc như oán trách giận hờn giống một bài ca tôi thuộc:

“Bến ấy…ngày xưa…người đi…vấn vương…biệt ly…

“Ra đi … bến xưa…ngày ấy…

“Anh như… bóng mây…hồng trôi…

“Về chốn xa vời…lòng nặng…nhớ thương…”

Thuyền đã ra xa. Tiếng hát của chiếc máy phát thanh chỉ còn văng vẳng lẫn vào tiếng máy thuyền. Tự nhiên, mắt tôi nhắm lại, tay tôi bấu chặt vào mui thuyền, rồi như có tiếng hát khác âm vang từ đáy lòng, tôi tưởng tai tôi nghe rõ:

“… Quên đi … sầu biệt ly, anh còn … đi theo gió,

“Hát buồn … nữa chi … để nhớ … người đi …”

Mặt trời đã xế về hướng Tây, vài con hải âu trắng toát đang chao đảo ngang dọc trên nền trời xanh lơ. Thỉnh thoảng, một con lại bay sà xuống, lướt qua mạn thuyền, chiếc mỏ ngúc ngắc nghiêng ngó, nửa như muốn ngừng đáp xuống, nửa như muốn chào tiễn biệt con thuyền … viễn xứ.

Nhìn về phương Nam mờ mờ chân mây, vài vạt mây màu vàng óng nằm phơi dài trên mặt nước. Không khí chiều Hè trên đại dương vẫn ẩm sệt, hăng hăng, mằn mặn. Bóng chiều của chiếc thuyền ngã dài và nhọn hoắt như một con dao, đang phạt băng băng những ngọn sóng bạc đầu. Gió càng về chiều càng lộng, khiến con thuyền càng nhấp nhô lên xuống. Trong sách vở trước đây, các văn nhân thi sĩ tả cảnh hoàng hôn trên biển cả thật là tuyệt vời. Tôi có ý định sẽ cứ đứng thế này mãi mãi, để chờ cho mặt trời chìm dần và lặn sâu xuống nước, xem thế nào. Nhưng, người tôi đã nôn nao ngất ngư bởi con thuyền rồi, vì vậy, tôi đành bỏ cái dịp ngàn năm một thuở đối với tôi này, để chui vào khoang thuyền nằm bẹp. Lúc tôi đang chuẩn bị cái thế để nằm sao cho đỡ say sóng, thì anh thợ máy, hai tay đen nhẻm dầu mỡ, từ dưới hầm thuyền chui lên. Nhìn chiế lưng và đôi bàn tay đồ sộ của anh, tôi đanh định nở một nụ cười để chào anh “Tạc giăng” dễ mến lần trước. Tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, khi anh quay lại nhìn tôi. Anh có một khuôn mặt trẻ măng với một thân hình lực lưỡng đầy sinh lực. Anh ngập ngừng hơi mất tự nhiên. Một anh thủy thủ đang ngồi dựa một góc khoang đọc sách, có lẽ vừa nãy đã thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, nên dù tôi chưa hỏi, anh đã hất hàm về phía anh thợ máy, giọng Nghệ An nghe như hát:

– Anh lần trước, vì có chuyện gia đình, nên không đi, đây là em trai anh ấy.

Thảo nào! Như cùng đúc trong một chiếc khuôn, không những giống nhau về cơ thể mà lại còn cả về nét chất phác hiền lành. Tôi mỉm cười và gật đầu chào, như muốn trao anh niềm cảm mến. Tôi muốn nói chuyện với anh nhiều, nhưng một con sóng giật chiếc thuyền làm tôi đổ nằm xuống. Tôi đành nằm bẹp luôn! Một đêm rồi lại một ngày nữa trôi qua, tôi vẫn rã rượi nằm yên trong khoang, vừa say sóng vừa không ăn gì, tôi chỉ uống được hai ly sữa. Tôi chỉ nhớ mơ hồ vào lúc buổi trưa hôm nay, tuy thuyền đi trên mặt biển chỉ có trời với nước mênh mông, thế mà không khí oi nồng, mồ hôi của tôi ra ướt cả quần áo làm người tôi càng bứt rứt khó chịu.

Những tiếng hò hét quát tháo làm tôi tỉnh hẳn người ra, tôi bò giật dậy, định cố bò ra xem có chuyện gì, nhưng người tôi lảo đảo, hoa mày chóng mặt. Một anh thủy thủ thấy tôi như vậy nên nhanh chân lại đỡ. Tôi vịn tay anh, hỏi giật giọng:

– Chuyện gì thế?

– Có một chiếc thuyền lạ cùng đi hướng mình, nhưng cách xa từ phía trong bờ, nó bám mình hơn hai tiếng đồng hồ rồi!

Để sáng tỏ thêm tôi hỏi tiếp:

– Mắt thường có nhìn thấy không?

– Nhìn kỹ thì chỉ thấy một điểm trắng xám lẫn vào trong sóng, nhưng nhìn bằng ống nhòm, thì rõ là một chiếc thuyền có vẻ to hơn thuyền mình.

– Vừa rồi ông thuyền trưởng hò hét cái gì thế?

Anh thủy thủ nhìn tôi một lúc, rồi dè dặt:

– Anh thợ máy muốn quay mũi thuyền chạy tránh ra khơi nhưng ông già quyết định vẫn thẳng tiến!

Nghe qua sự việc, nếu tôi không mệt mỏi, chóng mặt, tôi phải quan sát cụ thể, rồi có ý kiến. Nhưng, phần vì quá mệt nhọc (ngay từ hôm trước, những khi lịm thiếp đi không kể, lúc nào tỉnh dậy, nôn oẹ mật xanh, mật vàng. Tôi chỉ mong làm sao cho chóng tới điểm đổ bộ, để tôi lên bờ, dù là nguy hiểm. Chứ cứ dập dềnh với sóng gió suốt ngày đêm như thế này, tôi còn thấy sợ hơn.) Phần khác, thấy hiện tình chưa quan trọng lắm, nên tôi nằm vật ra sàn. Tuy vậy, vì sự sống còn, tôi nằm mà bao tâm trí vẫn tập trung nghe ngóng, theo dõi thái độ của ông già thuyền trưởng và các anh thủy thủ.

Mãi đến gần 1 giờ, vẫn chẳng thấy động tĩnh gì khác. Tiếng máy thuyền vẫn bành bạch nổ rền lẫn vào tiếng ì ào của sóng biển. Để cho yên tâm khỏi khắc khoải nghe ngóng, tôi cố chống tay bò dậy, ra hiệu cho một anh thủy thủ đang ngồi gần đấy, anh tưởng tôi muốn ăn, nên đến hỏi:

– Ông muốn uống sữa?

Tôi lắc đầu, hỏi ngay điều tôi muốn:

– Chiếc thuyền lạ bây giờ ra sao?

Anh sáng mắt lên, nói gọn lỏn:

– Nó biến vào bờ rồi.

Chỉ vì lòng thấp thỏm về chiếc thuyền lạ, nên tôi mới nhỏm dậy hỏi, nghe anh nói xong như vậy, tôi lại vật ra nằm. Trời tối đã lâu, lúc này đã chín giờ, tôi vẫn vẩn vơ nghĩ lại chuyện buổi trưa. Tuy nằm mà người cứ lắc lư, nhấp nhổm như đưa võng. Kể cũng lạ, tôi rất khoái cưỡi ngữa phi nước kiệu, mà lại không nằm võng được. Tôi nghĩ có lẽ khi xưa bố mẹ đẻ ra và lúc nhỏ đã không cho tôi nằm võng chăng?

Tiếng máy vẫn đều như một bản nhạc đơn điệu đưa dần tôi vào giấc ngủ mê man vì mệt mỏi. Mãi cho đến khi có ai lay chân, tôi choàng dậy. Ông thuyền trưởng già, vẻ mặt khẩn trương, thì thào:

– Dậy đi, ông cán bộ, đã đến nơi rồi, chuẩn bị để vào bờ!

Tôi tỉnh hẳn ra, trời vẫn còn xám xịt, mịt mờ. Con thuyền vẫn nhấp nhô, tiếng sóng đập vào mạn thuyền bành bạch chắc nịch. Phía ngoài mũi thuyền, 4, 5 anh thủy thủ đang lúi húi người bơm chiếc xuồng cao su, người nắp máy nổ. Tôi hiểu giờ phút nghiêm trọng đã đến. Tôi muốn đứng dậy chui ra ngoài, mà người lảo đảo xiêu vẹo. Bác già đã đỡ cho tôi, trong khi cả hai anh thợ máy và 4 anh thủy thủ đang hạ chiếc thuyền cao su xuống nước. Giữa mặt biển bao la, ánh sáng chỉ lờ mờ, không trông rõ mặt người. Thái độ của mọi người đều vội vã, lộ hẳn nét lo âu, căng thẳng.

Ba anh thủy thủ và anh thợ máy đã xuống xuồng cao su. Do sóng lớn, thuyền cao su và hải thuyền cứ nhồi lên thụt xuống ngả nghiêng, nên mọi người phải đỡ tôi và chuyển những vật dụng tôi mang theo đưa xuống xuồng cao su. Người tôi vẫn mệt lả, đến nỗi trong lúc đỡ tôi xuống xuồng cao su, bác thuyền trưởng già và anh thủy thủ còn lại trên hải thuyền đã nắm chặt tay tôi thầm thì: “Chúa phù hộ cho anh,” mà tôi không trả lời đáp lại ân tình của họ.

Xuồng cao su đang tiến dần vào bờ. Tiếng máy ro ro rất nhỏ, lẫn vào tiếng sóng, dù ở cách mươi mét cũng không nghe thấy, nhưng có sức đẩy thật mạnh. Chiếc thuyền vẫn lướt sóng tiến dần vào đất liền. Do giờ phút quyết định đã đến, và cũng do nước biển bắn vào mặt tôi, tôi tỉnh hẳn lại, không còn thấy mệt như trên hải thuyền. Tôi muốn biết khoảng cách đến bờ còn bao xa, nên quay lại hỏi một anh ngồi cạnh. Các anh đều khoắng tay rối rít ra hiệu đừng lên tiếng, rồi một anh nghé vào tai tôi thì thầm:

– Hải thuyền xa bờ khoảng 5 cây số.

Tôi nhìn cả 4 anh, chẳng rõ mặt người nào. Tôi chỉ biết anh thợ máy, qua dáng dấp to lớn của anh đang cầm lái. Mặt nước lấp lánh như có trăm ngàn con đom đóm đang đùa bỡn trong những ngọn sóng bạc đầu, lung linh như hàng ngàn những đóa kim cương khổng lồ.

Nhìn về phía bờ xa xa chỉ một mầu đen kịt, tôi tự hỏi trong chỗ đen tối mịt mùng ấy, cái gì đang chờ tôi? Trăm ngàn cái chưa thể biết, ai trả lời được? Tôi cúi nhìn đồng hồ, 01 giờ 15 phút. Quả các anh là những người đi biển đêm có kinh nghiệm. Trước mắt, tôi vẫn thấy chỉ là một mầu đen bao la, thế mà các anh đã tắt máy, rồi hai anh một bên, dùng bốn mái chèo con, nhẹ nhàng đều nhịp đẩy chiếc xuồng đi. Chừng 10 phút, tôi đã thấy mờ mờ phía trước một vệt trắng to, thuyển đã vào bãi cát.

Hai anh đã lội xuống nước. Tôi một tay xách vội chiếc ba lô nặng trĩu vật dụng, một tay xách đôi dép râu. Nhanh nhẹn, một anh phía sau đã đỡ chiếc ba lô cho tôi, còn hai anh phía dưới đã giúp tôi (phải nói, hai anh đã bế tôi đặt hẳn lên chỗ cát khô) để tôi khỏi lội vài mét nước sát bờ. Khi họ giao chiếc ba lô cho tôi xong, bỗng một anh nắm chặt cánh tay tôi, thì thào:

– Anh đi, chúng tôi về!

Rồi các anh vội vàng lên xuồng, quay mũi chèo ra. Mãi lúc tôi định được thần trí, chiếc thuyền cao su chỉ còn mờ mờ phía ngoài đại dương.

Bình luận về bài viết này